Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng, ghi chép thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, đóng góp cũng như hưởng quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tầm quan trọng của sổ BHXH cho cuộc sống và công việc của mình.
Vậy, mất sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người lao động? Liệu có được cấp lại không và thủ tục xin cấp lại như thế nào? Hãy cùng Thuận Thiên đi tìm câu trả lời qua bài viết sau nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật bảo hiểm xã hội
- Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
- Quyết định số 595/QĐ-BHXH Ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
- Thông tư số 56/2017/TT-BYT Quy định chi tiết thi hành luật bảo hiểm xã hội và luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.
I. Những quyền lợi nào người lao động không được hưởng nếu mất sổ bảo hiểm xã hội?
Sổ bảo hiểm là một tài liệu quan trọng, cần thiết giúp người tham gia được hưởng quyền lợi của mình. Nhiều sự cố, khiến người lao động làm mất sổ bảo hiểm xã hội, thì sẽ không được hưởng những quyền lợi nào?
Căn cứ pháp lý tại Điều 96, luật Bảo hiểm xã hội 2014, sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, theo luật này.
Do vậy, trong một số trường hợp, nếu người tham gia bị mất sổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm thủ tục hưởng chế độ, cụ thể như sau:
- Người lao động là nữ, có thể bị từ chối hưởng chế độ thai sản. Bởi theo quy định tại khoản 3, điều 4, quyết định 166/QĐ-BHXH, yêu cầu người lao động nữ nghỉ việc trước khi sinh con, khi đến làm thủ tục hưởng thai sản cần xuất trình sổ BHXH. Xuất trình sổ, giúp cán bộ kiểm tra, đối chiếu thông tin tham gia bảo hiểm xã hội cho người nộp.
- Không đủ giấy tờ để hưởng chế độ tai nạn lao động, khi làm hồ sơ để hưởng chế độ này.
- Người lao động có thể không đủ giấy tờ để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp học nghề.
- Người tham gia có thể không được hưởng lương hưu nếu mất sổ BHXH.
- Người thân của người tham gia có thể không được hưởng chế độ tử tuất, trường hợp người lao động mất.
II. Mất sổ bảo hiểm xã hội có được cấp lại không?
Căn cứ pháp lý tại khoản 2, điều 97, luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định, Sổ bảo hiểm sẽ được cấp lại cho người lao động trong các trường hợp mất hoặc hỏng sổ.
Hồ sơ yêu cầu cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, theo mẫu quy định.
- Sổ bảo hiểm xã hội cũ, yêu cầu cần có trong trường hợp bị hỏng.
Vậy, mất sổ bảo hiểm xã hội làm lại ở đâu? Theo hướng dẫn tại Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, khi cần cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, người lao động đến các cơ quan sau đây để được hỗ trợ:
- Với người đang đi làm: Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH.
- Với người tham gia BHXH tự nguyện: Đến đại lý thu hoặc cơ quan trực tiếp thu phí bảo hiểm xã hội hàng tháng.
- Với người lao động đã nghỉ việc: Đến bất kỳ cơ quan bảo hiểm xã hội nào trên toàn quốc, gần nhất.
III. Thủ tục xin cấp lại khi mất sổ bảo hiểm xã hội
Để quá trình cấp lại sổ bảo hiểm xã hội thuận lợi, người tham gia cần tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định. Hiện nay, người lao động có thể yêu cầu cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo 2 hình thức trực tiếp hoặc online. Hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp như sau.
Hồ sơ cẩn chuẩn bị
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Bạn có thể tải mẫu tại https://baohiemxahoi.gov.vn/ hoặc tại quầy của cơ quan BHXH.
- Giấy tờ chứng minh nhân thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng).
- Giấy tờ xác nhận đã tham gia BHXH (nếu có): Sổ BHXH cũ (nếu còn);
- Giấy tờ xác nhận đóng BHXH của cơ quan, đơn vị cũ (nếu có).
1. Trường hợp xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trực tiếp
Trường hợp xin cấp sổ bảo hiểm xã hội trực tiếp, cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Người tham gia BHXH chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại sổ theo quy định. Cụ thể hồ sơ sẽ cần giấy tờ sau: Tờ khai xin cấp lại BHXH, điều chỉnh thông tin theo mẫu TK1-TS hoặc có thêm sổ bảo hiểm cũ (áp dụng cho trường hợp sổ BHXH bị hư hỏng).
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan chức năng, nơi công ty trực tiếp tham gia BHXH/ Đại lý hoặc nơi trực tiếp thu/ bất cứ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc.
Bước 3: Cơ quan chức năng về BHXH kiểm tra thông tin, xét duyệt hồ sơ. Thời gian xử lý hồ sơ thường không quá 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ sẽ có kết quả. Nếu hồ sơ đầy đủ, người tham gia sẽ được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới.
2. Trường hợp xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online
Với trường hợp xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo hình thức online, người tham gia có thể thực hiện theo các cách sau:
Cách 1: Truy cập tài khoản bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VssID, chọn phần dịch vụ công, tiếp theo chọn mục “Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin”. Sau đó, bạn chỉ cần nhập địa chỉ nhận sổ bảo hiểm xã hội, chọn nhận kết quả qua bưu chính và xác nhận thông tin.
Cách 2: Thực hiện trên cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam.
- Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia tại https://dichvucong.gov.vn/.
- Đăng nhập bằng tài khoản Bưu điện Việt Nam hoặc tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Chọn “Bảo hiểm xã hội” > “Dịch vụ trực tuyến” > “Cấp lại sổ BHXH”.
- Điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn và đính kèm các tập tin hồ sơ theo yêu cầu.
- Nộp hồ sơ trực tuyến.
- Nhận thông báo qua email hoặc tin nhắn về kết quả giải quyết.
- Nhận sổ BHXH mới qua bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH.
Lưu ý:
- Nếu bạn không nhớ mã số BHXH, bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn đã từng tham gia BHXH để được tra cứu.
- Nếu bạn đang tham gia BHXH tại cơ quan, đơn vị, bạn có thể nhờ cơ quan, đơn vị nộp hồ sơ cấp lại sổ BHXH cho bạn.
- Khi nộp hồ sơ trực tuyến, bạn cần lưu ý scan các tập tin hồ sơ với dung lượng phù hợp theo quy định của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc làm mất sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ, quyền lợi của người lao động. Do vậy, trong các trường hợp, bạn cần xử lý xin cấp lại sổ BHXH nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi. Nhà nước hỗ trợ người tham gia được cấp lại khi mất sổ bảo hiểm xã hội, theo quy định và có thể thực hiện theo nhiều cách.
Hy vọng thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ rủi ro và cách xử lý khi bị mất sổ bảo hiểm xã hội.