Kế toán doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của các công ty, tổ chức. Hoạt động kế toán cần được thực hiện đúng, chính xác theo những quy định chung mà nhà nước đưa ra. Trong đó, quy trình kế toán là một phần không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Bạn đang tìm hiểu về quy trình kế toán, nhưng chưa có nhiều thông tin. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn các bước chuẩn nhất trong 1 quy trình kế toán.
Tại sao quy trình kế toán doanh nghiệp lại quan trọng?
Quy trình kế toán là thủ tục quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện đầy đủ và chính xác. Vậy, tại sao, quy trình kế toán doanh nghiệp lại quan trọng đến vậy?
Quy trình kế toán là tổng hợp công việc theo các bước tuần tự mà doanh nghiệp cần tuân thủ. Các nhiệm vụ kế toán phát sinh liền kề, có mối liên hệ nhất định với các phòng ban, tổ chức theo mức độ quan trọng, quyền hạn và trách nhiệm.
Mọi vấn đề, hoạt động phát sinh do giao dịch mua bán, trao đổi, hợp đồng thương mại… tất cả phải đi kèm với nghiệp vụ kế toán để theo dõi chi tiêu tài chính, sử dụng tiền và vốn của công ty có hiệu quả hay không.
Mặc dù có quy trình kế toán chung, nhưng cần kinh nghiệm và thời gian làm việc lâu dài để kế toán viên xử lý được các phát sinh, sự cố trong suốt quá trình hoạt động và các bước trong trình tự cơ bản.
Tại sao quy trình kế toán doanh nghiệp lại quan trọng? (Nguồn: Internet)
Các bước trong quy trình kế toán doanh nghiệp chuẩn
Nhìn chung, kế toán viên cần nắm rõ và tuân thủ các bước cơ bản trong trình tự kế toán chuẩn. Sau đó có thể biến tấu, điều chỉnh nghiệp vụ kế toán phù hợp với đặc trưng doanh nghiệp. Các bước trong quy trình kế toán chuẩn sẽ gồm:
Bước 1: Tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh
Đây là bước đầu quan trọng tổng hợp tất cả các công việc, quan hệ mua bán, phát sinh hàng ngày tại các phòng ban khác nhau. Kế toán viên sẽ tổng hợp để tiến hành lập chứng từ thu chi rõ ràng về các công việc phát sinh đó.
Ví dụ như: tiền thanh toán nguyên liệu, tiền công tác phí cho nhân viên, tiền chi quà cáp cho đối tác…
Bước 2: Lập chứng từ gốc trên căn cứ đã tổng hợp được
Chứng từ gốc là bằng chứng, có giá trị pháp lý để ghi nhận các giao dịch vào sổ sách, công cụ lưu trữ. Yêu cầu kế toán viên cần kiểm tra tính chính xác của dữ liệu, xử lý và phân tích các giao dịch để tính toán và phân loại.
Bước 3: Xử lý và kiểm tra các chứng từ gốc
Sau khi chứng từ gốc được lập ra sẽ được chuyển đến phòng kế toán, để tiến hành nghiệp vụ kiểm tra tính chính xác, chân thực của bảng kế toán, trước khi trình lên kế toán trưởng. Đây là bước kiểm tra quan trọng, nhằm phát hiện các sai sót, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tránh sai phạm pháp lý liên quan.
Bước 4: Tiến hành ghi sổ sách kế toán
Sau khi chứng từ đã được hoàn chỉnh, kiểm tra tính chính xác sẽ được nhập liệu và ghi vào sổ sách kế toán của doanh nghiệp: Sổ cái, sổ con, sổ chi tiết.
Bước 5: Sắp xếp chứng từ kế toán
Chứng từ sẽ được phân loại và sắp xếp vào sổ kế toán theo từng mục, từ chứng từ do kế toán lập đến các chứng từ được lập bởi phòng ban khác.
Bước 6: Thực hiện bút toán cuối kỳ và bút toán kết chuyển
Thực hiện bút toán cuối kỳ và bút toán chuyển kết là nhiệm vụ quan trọng mà kế toán viên cần thực hiện vào mỗi cuối tháng tài chính. Nghiệp vụ này có nhiệm vụ tổng kết dữ liệu trong vòng 1 tháng, nhằm mục đích xác định số dư tài khoản, tình hình sử dụng vốn, lỗ lãi của doanh nghiệp.
Bước 7: Khóa sổ, xác định số dư
Sau khi thực hiện bút toán, các chứng từ đã được kiểm tra tính chính xác, dữ liệu trùng khớp và chuẩn thì kế toán trưởng sẽ thực hiện khóa sổ.
Việc khóa sổ nhằm xác định cụ thể số dư, bảo mật dữ liệu, tránh trường hợp số liệu bị sửa đổi vì mục đích khác. Số dư và các dữ liệu sẽ là căn cứ cuối cùng để làm báo cáo tài chính.
Bước 8: Lập bảng cân đối số phát sinh
Bảng cân đối số phát sinh được lập dựa trên sổ cái và sổ kế toán chi tiết, tại bước 7. Ý nghĩa của bảng cân đối số phát sinh nhằm đánh giá tổng quan về toàn bộ sổ cái phát sinh gồm những loại nào, đã chính xác hay chưa. Nếu các dữ liệu đã hoàn thiện và không cần sửa đổi bổ sung dữ liệu thì sẽ kết hợp các dữ liệu từ: sổ cái, sổ chi tiết và bảng cân đối số phát sinh để tiến hành lập báo cáo tài chính.
Bước 9: Lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế
Nghiệp vụ lập báo cáo tài chính và quyết toán thuế rất quan trọng, cung cấp dữ liệu cho giám đốc và cơ quan chức năng quản lý. Yêu cầu kế toán viên lập báo cáo tài chính và quyết toán thuế cần có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để tiến hành cân đối báo cáo tài chính phù hợp, xử lý các phát sinh nếu có.
Việc lập báo cáo tài chính sẽ tiến hành theo 4 biểu mẫu chính sau đây: bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo kết quả kinh doanh, thuyết minh báo cáo tài chính.
Sau khi lập báo cáo tài chính, kế toán viên cần thực hiện báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân, để nộp cơ quan chức năng. Thời hạn để nộp 2 báo cáo quyết toán thuế này là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp nộp muộn quyết toán thuế sẽ bị xử phạt hành chính theo luật quy định, lãi suất phạt nộp muộn la 0.05%/ ngày.
9 bước cần thực hiện trong quy trình kế toán (Nguồn: Internet)
Lời kết
Kế toán cần được thực hiện nhanh chóng, chính xác nhằm cung cấp dữ liệu chuẩn cho quản lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Do vậy, kế toán viên cần nắm rõ quy trình kế toán, thực hiện đủ các bước để hoàn thành nhiệm vụ, tránh các sai phạm đáng tiếc. Hy vọng những thông tin trên đây về quy trình và nghiệp vụ kế toán sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ các yêu cầu quan trọng để thực hiện đầy đủ, chính xác.
Xem thêm: